Theo đó, Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các ngành có liên quan và Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Trong đó, các mức thuế suất mới mà Bộ Tài chính dự kiến áp dụng sẽ thấp hơn nhiều so với hiện tại, đồng thời giảm nhanh hơn khá nhiều so với lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO. Nhiều ý kiến cho rằng, các mức thuế suất mới mà Bộ Tài chính đề xuất có thể sẽ bóp nghẹt ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có thế mạnh về mặt hàng xe tải.
Giảm mạnh bất ngờ
Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc mới được Bộ Tài chính dự kiến áp dụng đối với mặt hàng xe tải có tải trọng dưới 5 tấn là 30%, thấp hơn 50% so với mức hiện đang áp dụng và thấp hơn 40% so với mức cam kết WTO.
Đối với mặt hàng xe tải từ 5-10 tấn, mức thuế suất mới là 25%, mức hiện tại là 54-55% và mức cam kết WTO là 50%.
Đối với mặt hàng xe tải trên 10 tấn đến dưới 20 tấn, mức thuế suất mới là 25%, mức hiện đang áp dụng là 30% và mức cam kết WTO là 50%.
Đối với mặt hàng xe tải từ 20 tấn đến dưới 45 tấn, mức thuế suất mới là 15%, mức hiện đang áp dụng là 8%, mức cam kết WTO là 25%.
Riêng mặt hàng xe tải trên 45 tấn và các loại xe chuyên dùng, xe tự đổ có mức thuế suất dự kiến giữ nguyên.
Theo Bộ Tài chính, xe tải là tư liệu sản xuất của doanh nghiệp, sử dụng để vận chuyển hàng hóa nên mức thuế suất hiện hành đối với loại có tải trọng dưới 10 tấn là tương đối cao. Trong khi đó, việc sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ dừng ở mức độ lắp ráp, những phần chính của ôtô như động cơ, khung gầm vẫn đang phải nhập khẩu.
“Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế đối với xe tải theo hướng chỉ chênh lệch với bộ linh kiện, phụ tùng khoảng 10-15%, đây là mức chênh lệch phù hợp, vừa bảo hộ sản xuất trong nước, vừa không ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào (tư liệu sản xuất của doanh nghiệp). Ngoài ra, giá trị nhập khẩu mặt hàng xe tải thực tế không lớn nên không tác động đáng kể đến số thu ngân sách.”, công văn nêu rõ.
Bảo hộ hay bóp nghẹt?
Ngay sau khi nhận được văn bản từ Bộ Tài chính, đại diện một số nhà sản xuất ôtô thuộc VAMA đã tỏ ra khá bất bình.
Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco Group), cho rằng việc đột ngột rút ngắn lộ trình cắt giảm thuế quan mà Bộ Tài chính đề xuất được thực hiện sẽ đẩy doanh nghiệp ôtô đến bờ vực phá sản.
“Doanh nghiệp khi đầu tư lâu dài cho sản xuất ôtô đã dựa trên các cam kết của Chính phủ với khu vực ASEAN hay WTO. Trong khi đó, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô được Chính phủ phê duyệt là những định hướng để doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư. Nay chúng tôi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển theo định hướng của Chính phủ thì Bộ Tài chính lại đột ngột khuyến khích nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng việc hạ nhanh thuế nhập khẩu. Điều này có khác nào bắt doanh nghiệp phá sản?”, ông Dương nêu quan điểm.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) cũng tỏ ra bất bình. Ông Huyên cho biết, Vinaxuki bắt đầu đầu tư từ năm 2004 và đến nay đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50% ở các sản phẩm xe tải. Ngoài việc tự đầu tư và dập ra được bộ khuôn ôtô tải, ôtô du lịch hoàn chỉnh ngay tại nhà máy, công ty còn đang tích cực mua các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước như ắc quy, săm, lốp, kính, ghế, các chi tiết cao su, nhựa, sơn, hóa chất... để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
“Thế mà nay với dự định giảm nhanh thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc, thậm chí còn giảm nhanh hơn các cam kết mà Việt Nam đạt được, thì chúng tôi chỉ còn nước… đóng cửa nhà máy và từ bỏ giấc mơ làm ra ôtô Việt”, ông Huyên nói.
Chia sẻ với những bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng việc giảm thuế nhanh và sớm hơn các cam kết đã đạt được mà Bộ Tài chính đề xuất là không ổn, nhất là khi những doanh nghiệp như Trường Hải, Vinaxuki đã đầu tư rất bài bản, nghiêm túc để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm ôtô tải của mình.
Thaco Group và Vinaxuki là hai doanh nghiệp sản xuất ôtô vốn đầu tư trong nước hiện đang chiếm thị phần rất lớn tại thị trường ôtô tải Việt Nam hiện nay. Cùng với hai doanh nghiệp này là khá nhiều các doanh nghiệp sản xuất ôtô khác có thế mạnh về xe tải, đặc biệt là các loại xe có tải trọng từ 10 tấn trở xuống (đối tượng điều chỉnh chủ yếu) như TMT (thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam Vinamotor), VEAM, Hoa Mai… và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Hino, SYM, Isuzu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ước tính 9 tháng đầu năm 2010 tổng sản lượng sản xuất ôtô tại Việt Nam đạt khoảng 77.400 chiếc, trong đó các loại xe tải đạt 29.900 chiếc.
Biểu thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (dự kiến) | |||||
Tổng trọng lượng có tải (Tấn) |
Loại xe (Ts TB) |
Phụ tùng (%) |
Mức hiện hành (%) |
Mức cam kết WTO (thời điểm cuối, %) |
Mức dự kiến (%) |
< 5 tấn | Chuyên dùng Xe tải khác |
15 | 10 -15 80 |
35 70 |
Giữ nguyên 30 |
> 5 tấn và 10 tấn | Chuyên dùng Xe tải khác |
12 | 10 - 15 54 - 55 |
20 50 |
Giữ nguyên 25 |
> 10 tấn và < 20 tấn | Chuyên dùng Xe tải khác |
12 | 10 - 15 30 |
20 50 |
Giữ nguyên 25 |
20 - <45 tấn | Chuyên dùng Xe tự đổ Xe tải khác |
10 | 8 8 8 |
25 25 25 |
Giữ nguyên Giữ nguyên 15 |
> 45 tấn | Xe tải | 0 | 0 | Giữ nguyên |
Theo VnEconomy
lien
Link nội dung: https://www.autovina.com/thue-nhap-khau-o-to-tai-nhieu-y-kien-trai-chieu-a3979.html