Nhìn lại lịch sử “diều hâu” Honda Hawk

Admin
Nhân dịp Honda Hawk 11 vừa ra mắt tại triển lãm xe máy Osaka 2022, hãy cùng nhìn lại lịch sử các mẫu xe được mệnh danh là những "chú chim săn mồi".

Đối với những người mới quan tâm tới xe của Honda, cái tên “Hawk” có thể vẫn còn tương đối xa lạ. Nhưng với người đam mê thương hiệu này đều biết rằng đây là một mẫu xe có lịch sử lâu đời và sẽ được hồi sinh trong thời gian tới. Thậm chí trước đây có nhiều người đã từng sinh ra và lớn lên cùng chiếc xe này, vậy quá trình phát triển của Honda Hawk diễn ra như thế nào chúng ta cùng tìm hiểu:

Honda CB72 Hawk (1960-1967):


Honda CB72 được trang bị động cơ xi-lanh đôi dung tích 247cc, SOHC, làm mát bằng không khí, sản sinh công suất 20 mã lực và mô-men xoắn 18Nm thông qua hộp số 4 cấp. Xe sử dụng khung thép ống kết nối với phuộc trước ống lồng và bảng đồng hồ cơ học nằm trên cụm đèn pha. Mặc dù CB72 Hawk trang bị động cơ 247cc thu hút được nhiều sự quan tâm kể từ khi được trình làng nhưng sau đó Honda vẫn quyết định tung ra chiếc CB77 mạnh mẽ hơn đàn em CB72.
Honda CB77 305 Super Hawk (1961-1968):


Động cơ: xi-lanh đơn, dung tích 305cc, SOHC, làm mát gió. Công suất: 28,5 mã lực tại 9.000rpm và mô-men xoắn 23,1Nm tại 6.000rpm. Tính năng nổi bật: Khung thép ống, giảm xóc trước ống lồng và hệ thống khởi động điện.

Kể từ khi thế hệ Honda Super Cub đầu tiên được ra mắt vào năm 1958, mẫu xe cỡ nhỏ này đã là lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu đi lại hằng ngày. Đây là một chiếc xe thân thiện với người dùng và dung tích động cơ nhỏ dễ dàng tiếp cận với nhiều tay lái mới. Tuy nhiên, sau khi CB72 Hawk với ngoại hình cực ngầu ra mắt, Super Cub không còn là mẫu xe duy nhất có được vị trí độc tôn.

Honda CB77 được công nhận là chiếc xe thể thao đầu tiên của Honda và có dung tích động cơ cũng như hiệu suất mạnh mẽ hơn CB72, trong khi trọng lượng và mức giá bán chênh lệch không đáng kể. Tốc độ tối đa của CB77 lên tới gần 170km/h, đây là một con số ấn tượng ở thời điểm đó. Mặc dù dung tích 305cc hiện tại không quá lớn nhưng Super Hawk vẫn luôn xuất hiện cùng những mẫu 500cc và giữ được cho mình chỗ đứng riêng so với những người anh em cùng thời.

Ngôi sao Super Hawk của Honda tiếp tục nổi lên trong lĩnh vực xe mô tô 2 bánh khi được Elvis Presley cầm lái trong bộ phim Roustabout năm 1964. Một chiếc CB77 khác đời 1966 cũng đóng vai trò quan trọng trong dự án mà sau đó trở thành nền tảng cho Art of Motorcycle Maintenance của Robert M.Pirsig.

Honda CB400T Hawk và CB250T Hawk (1977-1981):

Honda CB400T Hawk

Honda CB400T Hawk trang bị động cơ xi-lanh đôi, SOHC, dung tích 395cc, làm mát bằng gió, sản sinh công suất 34,6 mã lực tại 9.500rpm và mô-men xoắn 29Nm. Trong khi CB250T trang bị động cơ xi-lanh đôi, dung tích 249cc, SOHC, làm mát bằng không khí cho ra công suất 17 mã lực tại 10.000rpm và mô-men xoắn 19,6Nm tại 8.500rpm. Cả hai đều có cấu hình 3 van (2 van nạp, 1 van xả), trục khuỷu tạo với nhau 360 độ, đánh lửa CDI.

 

Honda CB250T Hawk

Honda CB400T có nhiều phiên bản dành cho thị trường Mỹ trong suốt thời gian tồn tại của mình. CB400TI Hawk I là phiên bản thấp nhất với phanh tang trống trước sau. Trong khi CB400TII Hawk II cao cấp hơn với hệ thống khởi động điện và cần đạp cũng như trang bị kẹp phanh đĩa trước.Đối với CB400A Hawk Hondamatic được trang bị hộp số bán tự động. Đến năm 1980, hãng xe Nhật Bản cắt giảm các phiên bản Hawk xuống còn duy nhất chiếc CB400T Hawk với hệ thống khởi động điện. Đến năm 1981, phanh đĩa trước nâng cấp lên heo 2 piston.

Honda CB450SC Nighthawk (1982-1986), Honda CB750SC Nighthawk (1982-1984 và 1991-2003)


Honda CB450SC Nighthawk

Honda CB450SC trang bị động cơ 2 xi-lanh dung tích 447cc, SOHC, làm mát bằng gió, cho công suất 43,4 mã lực tại 8.500rpm và mô-men xoắn 42,1Nm tại 6.500rpm thông qua hộp số 6 cấp. Xe được trang bị cặp vành đúc, hệ thống khởi động điện, chắn bùn trước mạ chrome từ năm 1982-1985, đến năm 1986 chắn bùn chuyển sang sang cùng màu với thân xe. Honda CB750SC Nighthawk trang bị động cơ 4 xi-lanh dung tích 747cc, làm mát bằng gió sản sinh công suât 63,5 mã lực tại 8.500rpm và mô-men xoắn 55Nm tại 7.000rpm.

Honda CB750SC Nighthawk

Mặc dù những chiếc Nighthawk không phải là mẫu xe nhanh nhất trong trong phân khúc nhưng chúng là mẫu xe bền bỉ, đó cũng chính là lý do tại sao người lựa chọn dòng xe này làm người bạn đồng hành trên đường. Tính công thái của CB450SC nổi bật với chỗ ngồi rộng rãi kể cả cho những người điều khiển có vóc dáng to lớn.
Honda NT650 Hawk GT (1988-1991):

Honda NT650 Hawk GT trang bị động cơ V-Twin 647cc làm mát bằng dung dịch, sản sinh công suất 56,1 mã lực tại 7.897rpm và mô-men xoắn 58,3Nm tại 6.053rpm. Hawk GT là chiếc xe thứ 2 được Honda cung cấp cho gắp đơn và phuộc sau monoshock pro-link. Bên cạnh đó là bộ khung nhôm đầy ấn tượng của Hawk GT và cặp vành hợp 3 chấu bắt mắt.

Hawk GT 650 là chiếc naked bike hiện đại đầu tiên trước khi Ducati ra mắt Monster và Suzki trình làng SV650. Mặc dù được một mẫu xe kinh điển và được nhiều người yêu thích nhưng Hawk GT 650 có mức giá không hề rẻ khi tăng từ 3.995 USD vào năm 1988 lên 9.494 USD trong năm 2022. Mức giá cho một mẫu xe đời 1988 có thể mua một mẫu xe mới cùng phân khúc.


Honda VTR1000F Super Hawk (1997-2005):

Honda VTR1000F Super Hawk được trang bị động cơ V-Twin, DOHC, dung tích 996cc, làm mát bằng dung dịch sản sinh công suất 110 mã lực và mô-men xoắn 88Nm. Hệ thống két nước tản nhiệt nằm bên hông và sử dụng chế hòa khí CV đường kính 48mm. Bên cạnh đó là vô số những nâng cấp để giảm trọng lượng, cũng như giúp chiếc xe trở nên gọn gàng hơn và dễ dàng vận hành trên đường trường.

VTR1000F được biết đến với tên gọi là FireStorm nhưng tại thị trường Mỹ được gọi là Super Hawk. Tuy nhiên trong dải sản phẩm này đã có rất nhiều thay đổi giữa chiếc CB77 thế hệ đầu và VTR1100F. Mẫu xe mới nhất này được lấy cảm hứng từ chiếc V-Twin thể thao duy nhất của dải sản phẩm là Hawk GT 650, với bộ khung đôi bằng nhôm treo khối động cơ V-Twin 90 độ nhỏ gọn.