Túi khí xe hơi và những điều cần biết

Admin
(Autovina) - Hiểu đúng về túi khí và cách hoạt động của nó là điều rất quan trọng để bạn có thể bảo vệ khi di chuyển trên xe

Như nhiều người đã biết, túi khí là lựa chọn hàng đầu để để hạn chế thương vong. Túi khí được đưa vào danh mục tuỳ chọn lần đầu tiên là vào năm 1995 ở mẫu xeVolvo 850. Ba năm sau đó, Mỹ yêu cầu trang bị túi khí kép phía trước bảo vệ hai người ngồi hàng ghế đầu cho tất cả các dòng xe ôtô chở người. Hiểu đúng về túi khí và cách hoạt động của nó là điều rất quan trọng để bạn có thể bảo vệ khi di chuyển trên xe.

túi khí trên xe hơi

Theo tiêu chuẩn trên một ôtô thông thường được trang bị 2 túi khí: một túi khí cho lái xe được xếp gọn trong vôlăng và túi khí cho hành khách phía trước được bố trí trên taplô. Trên một số dòng xe cao cấp có trang bị thêm túi khí bảo vệ đầu, túi khí bên hông.

Hiện tại, phổ biến nhất vẫn là lắp túi khí ở phía trước người lái và hành khách, trên mặt vô lăng và táp lô. Túi khí có thể căng phồng trong khoảng thời gian rất nhỏ để ngăn ngừa hành khách va đập vào các chi tiết của nội thất khi xảy ra va chạm từ những vụ va chạm có tính chất vừa phải cho tới nghiêm trọng. Ở những va chạm chính diện tốc độ thấp, hệ thống túi khí tiên tiến cung cấp những mức độ bảo vệ khác nhau bằng cách bơm phồng túi khí với áp suất ít hơn hoặc không kích hoạt túi khí phía trước.

túi khí trên xe hơi

Loại túi khí phổ biến thứ hai là túi khí gắn bên sườn xe – side airbag (SAB) – hiển nhiên chỉ hoạt động khi có va chạm ở bên sườn thân xe, khi đó SAB sẽ bảo vệ đầu và vai tránh được chấn thương. SAB có tất cả ba loại chính: túi khí bảo vệ khu vực ngang ngực, túi khí bảo vệ khu vực ngang đầu và loại cuối cùng là kết hợp bảo vệ hai khu vực trên.

túi khí trên xe hơi

Cục an toàn giao thông đường bộ Mỹ NHTSA tính trung bình có tới 60% số người tử vong trong các va chạm bên sườn có nguyên nhân do bị chấn thương sọ não. Khi so sánh những chiếc xe không trang bị SAB với những chiếc xe có trang bị, NHTSA cũng ước tính rằng mỗi năm có tới 976 người được cứu sống nếu có túi khí sườn và 932 người sẽ gặp tai nạn nghiêm trọng nếu thiếu đi túi khí này.

Ngoài túi khí trước và túi khí sườn, một vài loại túi khí khác ít được biết đến như túi khí đầu gối mà Mercedes-Benz trang bị cho mẫu SLR McLaren hay túi khí mành phía sau được Toyota giới thiệu trong mẫu iQ vào năm 2008. Ngoài ra Toyota cũng giới thiệu túi khí trung tâm phía sau vào năm 2009 để bảo vệ người ngồi sau trong trường hợp gặp phải các va chạm bên sườn xe. Trên một số mẫu xe hiện đại ngày nay còn được trang bị cả túi khí bên ngoài kính lái nhằm cứu mạng cho người bị va chạm với xe hơi.

túi khí trên xe hơi

Túi khí là trang bị duy nhất trên xe hơi chỉ được sử dụng một lần, khi bắt đầu hoạt động cũng là lúc nó sẽ tự làm hỏng chính nó. Va chạm dù là chính diện hay bên sườn đều sẽ kích hoạt một loạt các cảm biến của xe bao gồm: cảm biến gia tốc, cảm biến va chạm, cảm biết áp suất sườn, cảm biến áp suất phanh, con quay hồi chuyển, cảm biến trên ghế.

Bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn, sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí ngay. Tốc độ nổ túi khí là rất nhanh (khoảng từ 10 đến 40 phần nghìn giây) nên sẽ tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực cửa hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe. Rồi sau đó tự xì nhanh chóng để không làm kẹt hành khách trong xe.

Tuy nhiên, do tốc độ bung của túi khí rất cao nên nó có thể gây nguy hiểm cho người lái nếu ngồi quá gần trong vùng nguy hiểm từ 5-8 cm. Các nghiên cứu cho thấy khoảng cách an toàn từ người lái tới vị trí túi khí là 25cm. Do vậy, bạn cần chú ý tư thế ngồi hợp lý, dựa thẳng lưng ghế và ngồi thẳng lưng, không tỳ sát vào vô lăng. Nếu ngồi ở ghế phụ lái, không ngửa ghế ra phía sau, không đặt chân hay các vật khác lên vị trí chứa túi khí.

túi khí trên xe hơi

Túi khi được kích nổ phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe); Vùng và hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên). Bởi vậy, ta không nên ngộ nhận rằng khi xe đã trang bị túi khí đều sẽ giúp tránh được thương vong trong bất cứ tai nạn ôtô nào.

Trên hầu các hãng xe, túi khí sẽ được kích nổ khi gia tốc giảm dần tối thiểu là 2 G (G: gia tốc trọng trường) hoặc lực va đập tối thiểu tương đương với trường hợp xe đạt tốc độ khoảng 25 Km/h va chạm trực diện vào bức tường bê tông cố định.

Ví dụ: Khi phanh là giảm tốc (gia tốc giảm dần). Giả sử, khi xe chạy ở tốc độ 120 km/giờ đạp phanh gấp cho xe dừng hẳn thì độ giảm tốc tối đa là 1,5 G như vậy độ giảm tốc 2 G để bung túi khí phải lớn hơn gia tốc giảm dần khi phanh gấp rất nhiều.

túi khí trên xe hơi

Do đó, trong một số trường hợp, sau khi bị tai nạn, vẻ ngoài xe trông bị hư hỏng rất nhiều nhưng túi khí không nổ vì gia tốc giảm dần của xe chưa đạt giới hạn cho phép để kích nổ túi khí. Với những trường hợp này, hệ thống dây đai an toàn đã đủ để giữ hành khách tránh khỏi những chấn thương nghiêm trọng.

Túi khí không hoạt động trong các trường hợp xe bị lật, va chạm giữa 2 xe cùng chiều, xe bị đâm ngang, xe bị đâm vào vật mảnh mà chưa chạm vào cảm biến (ví dụ đâm vào cột điện). Như vậy, túi khí không phải vật hộ mệnh của lái xe trong mọi trường hợp, vì thế, thắt dây an toàn là một cách hiệu quả để phòng tránh va đập thứ cấp trong xe. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp bung túi khí, với tốc độ 300km/h, lực nén hoàn toàn có thể gây gãy xương cho người trưởng thành. Vì vậy, thắt dây an toàn cũng là cách để tránh va chạm mạnh với thiết bị an toàn này.

túi khí trên xe hơi

Tuyệt đối không cho trẻ em ngồi trên lòng người khác, đặc biệt là ghế trước. Bởi khi phanh gấp hay đổi hướng lái đột ngột, trẻ em sẽ bị văng ra theo quán tính, hết sức nguy hiểm. Không cho trẻ em, người già, phụ nữ có thai ngồi hàng ghế trước, khi gặp sự cố, túi khí nổ nhiều khi sẽ gây phản tác dụng. Không dịch ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí, không gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người và túi khí là 25cm.

Trần Vững