Xe mất phanh khi đổ đèo, ứng phó ra sao ?

(Autovina) - Mất phanh khi đổ đèo là một tình huống hết sức nguy hiểm, tuy nhiên nếu người lái bình tĩnh, có kinh nghiệm nắm được một số chú ý sau có thể sẽ giảm thiểu thiệt hại

Bất kỳ tài xế nào lái xe đường dài, đặc biệt trên các địa hình đồi núi hiểm trở, đều có thể gặp phải các tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Một trong những tình huống nguy hiểm đó là “đổ đèo” khi mất phanh. Thay vì luống cuống sợ hãi, hãy thật sự bình tĩnh và thực hiện đúng chỉ dẫn cần thiết để giữ tính mạng an toàn cho cả bản thân và các hành khách trên xe.

kinh nghiệm mất phanh khi đổ đèo

 

1. Giữ bình tĩnh:

Dẫu biết việc giữ bình tĩnh khi gặp phải tình huống mất phanh khi đổ đèo là điều hết sức khó khăn, song bạn đang nắm trong tay tính mạng của rất nhiều người và việc điều khiển một chiếc ôtô trong trạng thái hoảng loạn sẽ chỉ càng làm mọi chuyện tồi tệ hơn.

Việc trước tiên, hãy hít thở sâu, tắt chìa khóa xe, nhả chân ga, chân côn từ từ, về số thấp.

Hãy nhớ rằng, điều quan trọng lúc này là bạn phải hết sức bình tĩnh. Bởi chỉ có bình tĩnh, lái xe mới đủ tỉnh táo và sáng suốt để thực hiện các bước tiếp theo.

2. Nhả chân ga:

Bạn phải nhả chân ga để giảm tốc độ của xe (bởi lúc này, bạn không còn làm chủ được tốc độ nữa do đã bị mất phanh), do đó hãy nhả chân ga để dồn sức cho chân phanh.

3. Dù đang bị mất phanh song hãy tập trung để cảm nhận chân phanh:

Liên tục đạp phanh để cảm nhận nguyên nhân mất phanh là do đâu. Nếu bạn thấy phanh mềm và chân bạn đã đạp sát xuống tận sàn, có thể phanh bị mất dầu do đường ống bị hỏng. Hãy thử đạp lại nhiều lần để ít nhiều cứu vãn áp suất. Song nếu chân phanh cứng đanh, điều đó cho thấy phanh bị tắc đường dẫn thủy lực hoặc bị bó cứng. Thậm chí đang gặp phải vật cản nào bên dưới.

4. Đạp phanh liên tục:

Bạn hãy cố gắng thử mọi vận may. Hãy đạp rồi nhả phanh liên tục để hồi phục hệ thống đang trục trặc. Nếu trên xe trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) thì ít ra việc này cũng có thể giúp kích hoạt lại hệ thống này.

5. Trả về số thấp: 

kinh nghiệm mất phanh khi đổ đèo

Điều sáng suốt lúc này là chuyển ngay về số thấp để hãm lại tốc độ chạy của xe (Ảnh: Van)

Vì bạn không thể tận dụng phanh lúc này nên trả về số thấp là điều khôn ngoan nhất có thể thực hiện, nhằm giảm bớt tốc độ của xe. Nếu là xe số tự động, hãy chuyển ngay sang chế độ lái bán tự động hoặc về số thấp (ký hiệu bằng các số nhỏ như 1, 2 hay L).

Sẽ là rắc rối hơn nếu bạn đang điều khiển một chiếc xe số sàn bởi việc về số quá thấp khi xe đang lao “điên cuồng” có thể làm hỏng hệ truyền động và lực quán tính, từ đó làm mất khả năng kiểm soát của xe. Bạn hãy về một hoặc 2 cấp mỗi lần. Ví dụ, xe đang đổ đèo ở số 3 và đột nhiên mất phanh, để chuyển về số 1, bạn đạp côn, về số 0, sau đó nhả chân côn và vù mạnh ga để tốc độ vòng tua máy được đồng tốc với tốc độ vòng quay của bánh xe. Tiếp đó, bạn đạp côn, dồn về số 2. Khi đó xe sẽ bị khựng lại và giật đột ngột, lái xe cần bình tĩnh gạt cần số để trả về số 1, lúc này tốc độ chạy của xe đã được hãm lại khá nhiều, lái xe có thể dừng hẳn xe bằng cách nhả cần phanh tay (đã kéo trước đó), rồi nhanh chóng kéo mạnh để dừng hẳn xe.

Bạn tuyệt đối không tắt động cơ vào lúc này bởi hệ thống lái đang mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển. Bên cạnh đó, vì xe đang chạy ở tốc độ cao nên việc dừng động cơ quá đột ngột sẽ làm xe mất kiểm soát do chịu tác động của lực quán tính.

Lưu ý: Lái xe không được gạt về mo (số N) quá lâu bởi xe đang đổ đèo mà bạn lại đạp chân côn để về mo, sẽ chỉ khiến xe lao đi nhanh hơn và rất khó khăn khi vào lại số do tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe lúc này đã không còn đồng tốc.

6. Sử dụng phanh tay như thế nào khi đổ đèo bị mất phanh ? 

kinh nghiệm mất phanh khi đổ đèo

Hãy biết cách thao tác với phanh tay khi gặp tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” này (Ảnh: Driven)

Phanh tay còn có tên gọi là phanh khẩn cấp hoặc phanh đỗ bởi việc sử dụng nó để dừng xe thường chiếm nhiều thời gian hơn (do chỉ tác động lực vào bánh sau). Khi đổ đèo mà phanh chân bị mất, lái xe cần bình tĩnh kéo nhẹ nhàng phanh tay. Nếu thao tác quá mạnh sẽ khóa bánh, gây hiện tượng trượt và mất lái. Bạn cần giữ núm phanh để mỗi khi cảm thấy xe có hiện tượng mất lái, ngay lập tức nhả phanh tay luôn.

7. Quan sát trên đường và cảnh báo cho các phương tiện khác đang lưu thông:

Để tránh các tình huống tồi tệ hơn do va chạm những xe khác trên đường, lái xe cần nhanh chóng bật đèn cảnh báo, đèn pha hoặc dùng còi cảnh báo người và các phương tiện khác đang lưu thông, nhằm tránh nguy cơ va chạm hoặc tai nạn đáng tiếc. Đồng thời, mở cửa sổ xe để làm tăng tính cản gió và gọi người tới giúp đỡ.

8. Đánh võng, dùng vật cản giảm tốc hoặc “điểm neo”:

Trong tình huống nguy cấp này, các tài xế bình tĩnh và giàu kinh nghiệm đường trường thậm chí còn tận dụng khoảng trống an toàn trên đường để “đánh võng” từ trái qua phải và ngược lại. Bạn có thể ít nhiều làm tăng lực cản và theo đó, hãm bớt tốc độ chạy của xe. Tuy nhiên cần tuyệt đối thực hiện khi xe đang lao ở tốc độ quá cao bởi điều đó có thể khiến xe bị lật.

Bên cạnh đó, hãy cố gắng tìm kiếm các “điểm neo” làm vật cản giảm tốc. Chẳng hạn như bụi cây hoặc vũng lầy, đâm xe vào đó để ít nhiều giảm bớt tốc độ chạy của xe.

Tổng hợp