Honda SH Mode: Định nghĩa lại sự cao cấp

Svetlanauhn
(Autovina) - Có giá bán chỉ 50 triệu đồng mà lại được định vị ở phân khúc cao cấp, đó hẳn phải là điều hoang đường ở thị trường xe Việt Nam trước kia. Nhưng giờ đây, những quan niệm xưa cũ có thể sẽ dần thay đổi, khi Honda thể hiện nỗ lực đáp ứng nhu cầu cả về “đẳng cấp” lẫn “hợp túi tiền” với việc cho ra mắt SH Mode.

Áp lực khi mang tên “SH”

Từ đầu năm 2013 đến nay, Honda Việt Nam đã cho ra mắt tổng cộng 7 mẫu xe máy, trong đó có 2 sản phẩm hoàn toàn mới là Lead 125cc và SH Mode. Tuy nhiên, nếu như Lead đã quá quen thuộc, thì SH Mode lại là một tân binh thực thụ, thuộc về một phân khúc mà Honda đang còn thiếu ở Việt Nam: xe tay ga cao cấp dành cho phái nữ. Cái tên SH Mode đã nói lên tất cả, rằng đây là mẫu xe ít nhiều có liên quan đến dòng SH trứ danh và mang phong cách thanh lịch theo kiểu châu Âu (“mode” nghĩa là “thời trang” trong tiếng Pháp).

Vấn đề là ở chỗ, đối với phần đông người Việt Nam, dòng xe tay ga SH luôn biểu trưng cho sự sang trọng và đẳng cấp. Trước đây, để sở hữu một chiếc SH, người mua thường phải bỏ ra số tiền không dưới 100 triệu đồng, do tất cả SH đều là xe nhập khẩu từ Italia. Xuất xứ phương Tây cũng đem lại cho SH chất lượng khung vỏ, động cơ và linh kiện tốt hơn chuẩn thông thường của Việt Nam rất nhiều. Vì lẽ đó, dù SH có kích cỡ không thật sự phù hợp lắm với vóc dáng người châu Á, dòng xe này vẫn được ưa chuộng và trở thành một dạng thước đo về độ sành điệu, cá tính lẫn khả năng tài chính của chủ nhân chiếc xe.

Còn nhớ, vào giữa năm 2012, khi Honda giới thiệu mẫu SH ‘Việt’, một làn sóng hoài nghi đã dấy lên từ phía người tiêu dùng. Hầu hết đều không chấp nhận rằng một mẫu xe tay ga có giá từ 66 triệu đồng (SH 125i) đến 80 triệu đồng (SH 150i) lại có thể được gọi là “cao cấp”. Áp lực từ cái bóng quá lớn của phiên bản tiền nhiệm là rất rõ ràng, khiến SH ‘Việt’ trải qua nhiều cuộc tranh cãi mới dần chiếm được cảm tình từ khách hàng. Giờ đây, những gì SH Mode phải đối mặt cũng tương tự.

Điểm nhấn công nghệ

So với SH ‘Việt’, ngôn ngữ thiết kế của SH Mode có nhiều nét tương đồng. Cả 2 đều mang phong cách scooter hiện đại, khỏe khoắn với các đặc điểm nhận dạng đặc trưng là khoảng cách từ sàn để chân đến yên xe tương đối lớn và bánh to. Dáng xe nhìn chung vẫn gây ấn tượng cao ráo, trái ngược với thiết kế scooter kiểu Ý truyền thống, thường thấy ở Piaggio. Dòng xe SH thành công nhờ điều này, nên SH Mode cũng chẳng có lý do gì cần phải thay đổi.

 

Tuy giữ nguyên vóc dáng, nhưng SH Mode nhỏ nhắn hơn SH ‘Việt’ đáng kể. Nếu như mẫu xe đàn anh có kích thước dài x rộng x cao là 2.034 x 740 x 1.152 mm, thì SH Mode chỉ dừng lại ở mức 1.930 x 669 x 1.105 mm. Bên cạnh đó, chiều cao yên của SH Mode là 765 mm, thấp hơn mức 799 mm trên SH ‘Việt’. Nhờ đó, SH Mode tỏ ra phù hợp hơn với thể trạng người Việt. Những ai trước đây gặp khó khăn với những chiếc SH “ngoại cỡ”, đặc biệt là phụ nữ, giờ đã có thể yên tâm khi vận hành. Việc dắt xe cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, khi trọng lượng SH Mode đã được tinh giản xuống từ 134 kg chỉ còn 118 kg.

SH Mode cố gắng khẳng định rằng mình là “người một nhà” với dòng xe SH nói chung, thông qua các đường cong trau chuốt hiện diện ở hầu hết mọi khu vực, từ cụm đèn pha, yếm xe cho đến yên xe và thân xe. Tuy nhiên, dường như cách thiết kế này lại khiến xe tạo cảm giác quá mềm mại, nữ tính và có phần hiền lành. Mặc dù đúng ý đồ của nhà sản xuất, nhưng xe khó bật lên được nét sang trọng và rõ ràng các kỹ sư thiết kế ở Italia có thể làm tốt hơn. Chưa kể, sự “lành tính”, thiếu các chi tiết độc đáo cũng cho thấy đây không phải là mẫu xe sẽ thu hút được những khách hàng cá tính, ưa đột phá. Có vẻ SH Mode nhắm đến tuýp người điềm đạm, chững chạc nhiều hơn.

Việc lựa chọn mâm đúc 10 chấu có hình tựa một ngôi sao 5 cánh cũng làm nên nét thú vị, cả khi xe dừng lẫn khi đang di chuyển. Nhưng mảng ốp mạ crôm hình chữ V ở đầu xe, chứa 2 đèn xi-nhan và đóng vai trò giúp nhận diện xe từ đằng trước thì không phải ai cũng thích, khi nó quá lớn và không mấy đặc sắc. Phần đuôi xe “sắc nhọn”, thể hiện qua chỗ tay nắm sau, đèn hậu và miếng chắn bùn, lại tỏ ra hơi lạc điệu so với tổng thể mềm mại. Đó có thể coi là những nhược điểm đáng tiếc, bởi lẽ toàn bộ ngoại hình chiếc SH Mode nhìn chung khá ổn.

 

 

Những gì SH Mode làm chưa trọn vẹn ở phần “nhìn”, xe đã bù lại khi xét về mặt tiện ích và vận hành. Xe nhỏ và nhẹ hơn, thuận tiện cho người lái sử dụng hơn, như ở trên đã đề cập. Bảng đồng hồ lớn, thiết kế chia làm 4 khu vực trực quan, có cả màn hình LCD hiển thị hành trình và thời gian. Cốp chứa đồ khá rộng rãi, đủ cho một mũ bảo hiểm loại nửa đầu cùng nhiều vật dụng nhỏ lẻ. Chìa khóa tích hợp nút bấm phát tín hiệu xác định vị trí xe. Chân chống tự tắt máy khi gạt xuống. Chỉ tiếc là nắp bình xăng vẫn nằm dưới yên xe, chứ không được bố trí bên ngoài như một số dòng xe mới gần đây của Honda.

SH Mode dùng động cơ eSP 125cc, cùng loại với động cơ trên SH 125i, Air Blade 125cc hoặc Lead 125cc. Do đó, các công nghệ tiên tiến nhất của Honda hiện nay đều hiện diện đầy đủ: phun xăng điện tử PGM-FI, kiểm soát hơi xăng EVAPO trung hòa khí thải, thân thiện với môi trường và đặc biệt là hệ thống tạm ngắt động cơ Idling Stop cùng bộ đề ACG. Đi sâu một chút vào kỹ thuật, động cơ trên SH Mode có công suất 11,2 mã lực ở 8.500 vòng/phút và mô-men xoắn 11,7 Nm ở 5.000 vòng/phút, còn tương ứng trên SH 125i là 11,7 mã lực và 11,2 Nm ở 6.500 vòng/phút. Như vậy, trên lý thuyết, SH Mode không mạnh bằng SH 125i nhưng tăng tốc nhanh hơn và êm ái hơn.

Trên thực tế, đúng là SH Mode có “độ bốc” khá cao. Xuất phát từ vị trí đứng yên, xe vọt lên mức 40 km/h chỉ trong vòng khoảng 3 giây ngắn ngủi, trong khi chưa hoàn toàn kéo hết tay ga. Từ 40 km/h lên 50 hoặc 60 km/h cũng không tốn nhiều lực vặn ga mà xe vẫn lao đi nhẹ nhàng, êm ái. Thử nghiệm tăng tốc 0-80 km/h khá ấn tượng với kết quả đúng 12 giây. Tóm lại, về mặt tốc độ, SH Mode thừa sức đáp ứng nhu cầu đề-pa nhanh hoặc vượt xe phía trước. Yếu tố trọng lượng nhẹ hơn so với SH ‘Việt’ cũng góp phần không nhỏ đến thành tích này.

 

Honda từng cho biết, hãng tập trung nghiên cứu để cải thiện độ linh hoạt của đầu xe rất nhiều, chủ yếu là tăng góc mở tay lái sang 2 bên lên 46 độ. Nhờ chi tiết này, việc quay đầu xe trong không gian hẹp trở nên rất dễ dàng và thoải mái. Hệ thống treo với giảm xóc trước dạng ống lồng và giảm xóc sau dạng lò xo đơn có phần hơi cứng so với đàn anh SH ‘Việt’, nhưng vẫn đủ độ êm ái, hấp thụ tốt chấn động từ gờ giảm tốc hay mặt đường xấu để khiến người ngồi không khó chịu lắm. Độ an toàn được đảm bảo nhờ hệ thống phanh kết hợp Combi-brake quen thuộc của Honda.

Cần nhấn mạnh rằng, thiết kế của SH Mode không khác SH ‘Việt’ là bao, nên cảm giác lái giữa 2 dòng xe này giống nhau đến đáng kinh ngạc. Sàn để chân rộng rãi nghiêng xuống phía trước, khoảng cách từ yên xe tới tay lái hợp lý, độ đầm chắc khi vận hành... tất cả đều đem lại cảm giác thăng bằng, thoải mái, dễ chịu. Không chỉ phái đẹp, mà ngay cả cánh đàn ông cũng sẽ thích thú với kiểu thiết kế thiên về “chăm sóc” người ngồi này. Nếu có gì để phàn nàn, thì chỉ do chiều cao của SH Mode hơi “khiêm tốn”, không thể giúp người sử dụng “nổi bật” hẳn lên trên đường phố mà thôi!

Tính năng Idling Stop hoạt động hiệu quả, đặc biệt phù hợp những lúc phải dừng đèn đỏ lâu hơn 30 giây. Nhờ bộ đề ACG, SH Mode có thể khởi động máy từ trạng thái nghỉ nhanh chóng. Tiếng máy cũng khá êm, độ ồn lúc đang di chuyển so với lúc dừng không chênh lệch nhau nhiều, còn khi kéo ga tăng tốc, những gì phát ra cũng chỉ là những âm thanh ấm áp nhẹ nhàng, rất “lành”. Độ tiêu thụ nhiên liệu theo công bố từ Honda là khoảng 54 km/lít, trong khi thực tế thử nghiệm tại TP.HCM thu được con số 49 km/lít, hoàn toàn không tệ chút nào.

Hàng hiệu giá rẻ

Với SH Mode, thông điệp của Honda không thể rõ ràng hơn: “Chỉ với 50 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một mẫu xe tay ga thuộc hàng cao cấp”. Nếu như trước khi SH Mode ra mắt, thông điệp trên còn đáng ngờ thì nay, có thể rút ra kết luận rằng SH Mode hoàn toàn xứng đáng đứng trong hàng ngũ “gia đình SH”.

Tất nhiên, SH Mode vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục, nhưng cũng cần hiểu rằng Honda có “nỗi khổ riêng”. Giá SH Mode đã ở mức tương đối thấp, thiết kế nhỏ gọn phù hợp với người châu Á, được trang bị đủ các công nghệ tiên tiến, cảm giác lái tốt, v.v... Chừng đó đã là quá đủ. Nếu tốt hơn nữa, có khi sẽ chẳng ai chịu mua SH ‘Việt’!

SH Mode được lắp ráp tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa hơn 90% và được xuất khẩu đi nhiều nước, cũng giống như đàn anh SH ‘Việt’ 2012. Đến đây, có lẽ thời của những mẫu xe tay ga nhập khẩu đắt đỏ đang sắp kết thúc rồi.

>> Xem album ảnh chi tiết Honda SH Mode [41 ảnh] <<

Nguyễn Nam

ảnh: Cường Vũ

kynam